Tổ tiên của voi sống dưới nước37 triệu năm trước, tổ tiên của loài voi ngày nay đã ở dưới nước và có lối sống tương tự như hà mã, nghiên cứu trên hóa thạch vừa tiết lộ điều đó.
Moeritherium: một loài lưỡng cư cổ đại là bà con của voi hiện đại. Ảnh: BBC. Bằng chứng ADN cho thấy voi có họ hàng với lợn biển, dugong, và một loài thú sống trên đất liền khác là hyrax giống thỏ. Điều này đưa đến giả thuyết rằng voi và các bà con đã tuyệt chủng của chúng có thể đã tiến hóa từ một tổ tiên cư ngụ dưới nước.
Các chuyên gia từ Đại học Oxford (Anh) và Đại học Stony Brook ở New York (Mỹ) đã tìm hiểu răng hóa thạch của hai loài thuộc về một họ thú đã tuyệt chủng có họ hàng với voi, và xa hơn là loài bò biển. Chúng sống ở miền bắc Ai Cập cách đây 37 triệu năm.
Việc phân tích đồng vị hóa học trên răng cho thấy hai loài thú nói trên (Barytherium và Moeritherium) là những sinh vật chủ yếu sống dưới nước, kiếm ăn bằng thực vật trong các thủy vực nước ngọt như sông hay đầm lầy.
Vào thời điểm đó, các sa mạc ở phía bắc Ai Cập, nơi tìm thấy những chiếc răng này, được bao phủ bởi các đầm lầy và các rừng mưa cận nhiệt đới.
Con vật được mô tả là tương tự như heo vòi, một loài thú có móng với ngoại hình giống như con lai giữa ngựa và tê giác.
Tiến sĩ Erik Seiffert, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết "người ta thường suy luận rằng voi đã tiến hóa từ tổ tiên hoàn toàn sống trên cạn và vẫn luôn luôn duy trì lối sống như vậy. Giờ đây, chúng tôi có thể bắt đầu nghĩ lại về việc thói quen sống và hành vi của chúng đã từng khác xa như thế nào trong quá khứ xa xưa".
Người ta vẫn chưa rõ bằng cách nào và tại sao những ông tổ của voi lại rời nước để lên sống trên cạn. Một giả thuyết cho rằng thời tiết lạnh đi vào cuối giai đoạn này đã làm khô cạn các đầm lầy, buộc các con vật lên đất liền.
Nghiên cứu có thể mở ra ánh sáng về lối sống và hành vi của voi hiện đại ngày nay.